(Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Những vấn đề trên đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” được phát sóng trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Về việc sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào cuối năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội sẽ ban hành thông tư về điều chính giá dịch vụ y tế và dự định thực hiện vào cuối năm nay, dựa trên những căn cứ như sau: Thứ nhất là dựa vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã quy định Liên Bộ Tài chính và Y tế phải ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế thống nhất đối với các bệnh viện đồng hạng trong toàn quốc.
“Thứ hai là dựa vào Nghị quyết số 63 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, hướng tới tính đúng, tính đủ và chuyển ngân sách Nhà nước từ chỗ cấp cho Bệnh viện thì chuyển sang mua thẻ bảo hiểm, hỗ trợ cho người nghèo và những bệnh nhân thuộc diện chính sách.”
Cùng với đó, dựa vào Nghị định 16 của Chính phủ ban hành tháng 2/2015 về giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, giá dịch vụ phải điều chỉnh trong lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 thì các yếu tố giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ. Đây là những căn cứ pháp lý, ngoài ra thực tế là khi không tính giá dịch vụ đúng, đủ, thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Việc trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh,” người đứng đầu ngành y tế khẳng định.
Giải thích về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng, nhất là người dân nghèo như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính với các chi phí trực tiếp như thuốc, vật tư tiêu hao điện, nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì, cũng như lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học. Hiện nay, giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố đó; một số địa phương chỉ đạt 60%-70% giá trị thực trong 3 yếu tố đó.”
“Vì thế, liên Bộ xây dựng thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ thống nhất các bệnh viên đồng hạng trên toàn quốc với 1.800 giá dịch vụ, chủ yếu điều chỉnh ở tiền khám bệnh và tiền giường sẽ phân hạng bệnh khác nhau. Theo lộ trình này thì trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, chưa phải với người chưa có thẻ,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích.
“Tiếp theo, từ nay đến hết năm thì phải điều chỉnh giá dịch vụ để tính đủ chi phí trực tiếp mà chi phí điều chỉnh này đã ban hành từ năm 2012 đến nay vẫn chưa đủ, cộng thêm phụ cấp đặc thù như tiền trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Từ năm 2016, giá đó cộng thêm tiền lương của người lao động và đến năm 2020 thì phải tính đúng 7 yếu tố giá dịch vụ đó”.
Như vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ tác động như thế nào, thứ nhất là đối với người dân, đặc biệt đối với người nghèo thì việc tăng giá này được hưởng lợi rất nhiều. Thay vì trước kia tất cả các cấu thành không được kết cấu vào giá thì người bệnh và người nghèo phải trả thêm phần chưa được tính giá và tự bỏ tiền túi ra. Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm (sửa đổi), người nghèo được Nhà nước mua 100% thẻ bảo hiểm và không phải đồng chi trả. Tất cả mức chi bảo hiểm y tế được thanh toán 100%.
Còn đối với các đối tượng diện chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng biển đảo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng như người nghèo. Đối với người cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 70% và rất nhiều địa phương đã mua nốt 30% cho đối tượng cận nghèo. Như vậy, đồng chi trả hiện nay cũng chỉ còn 5%, nên việc điều chỉnh này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người cận nghèo.
Tác động lớn nhất trong việc điều chỉnh này là đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đến năm 2016 và cuối năm 2016 tùy theo tình hình, nếu như điều chỉnh cả giá dịch vụ đối với những người không có thẻ bảo hiểm thì đây là vấn đề lớn. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và tham gia bảo hiểm là sự chia sẻ cộng đồng giữa người khỏe và người bệnh, giữa những thành viên trong gia đình, thì cách tốt nhất là tham gia bảo hiểm y tế để xây dựng một nền y tế công bằng, hiện đại và phát triển.
Đối với bệnh viện khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ mới có đủ nguồn để chi phí trực tiếp và các chi phí khác, thì chất lượng khám chữa bệnh bắt buộc phải tăng lên và có điều kiện để đầu tư máy móc và mua đủ trang thiết bị, không bắt buộc người dân phải mua bổ sung thêm phần không được tính.
Tiếp đến, thay vì phải bao cấp những chi phí chưa được tính vào giá cho cả người giàu và người nghèo, thì dùng tiền đó để mua thẻ bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo và những chính sách xã hội khác. Như vậy, việc này cũng làm tăng thêm quyền lợi cho những người nghèo, diện chính sách và những đối tượng cần được bảo trợ khác.
Đề cập đến một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong đề án đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ trưởng Y tế cho biết, khi điều chỉnh giá dịch vụ tăng lên theo phương hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn là chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng thêm. Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thứ nhất là quyết liệt giảm tải và nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền các cấp và huy động mọi nguồn lực của xã hội, kể cả y tế tư nhân và kết hợp công-tư.
Chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Thứ 2 là ban hành những tiêu chuẩn về chất lượng và các bệnh viện phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng này. Thứ 3 là cải cách các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Thứ 4 nữa là phải đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh như đổi mới cả về trang phục để người bệnh có thể nhận rõ chức danh của cán bộ y tế.
Thứ 5 là tập huấn toàn bộ hệ thống từ giám đốc bệnh viện cho đến nhân viên thu tiền và bảo vệ, về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trên tinh thần “bệnh nhân đến niềm nở, bệnh nhân ở tận tình, bệnh nhân về phải chu đáo.”
Đồng thời tổ chức các đợt cán bộ trẻ tình nguyện cũng như thầy thuốc trẻ hướng dẫn các thủ tục khám chữa bệnh cho người bệnh; thành lập các phòng công tác xã hội, các đơn vị chăm sóc khách hàng để hướng dẫn và thực hiện các công tác xã hội cho người bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục triển khai công tác giám sát để lắng nghe từ đường dây nóng đã triển khai được hơn 2 năm và có những hiệu quả rất tốt; tiếp tục thực hiện thùng thư góp ý và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, khen thưởng, cũng như kỷ luật nghiêm minh các trường hợp sai phạm nếu bị phát hiện qua phản ứng của bệnh nhân và cán bộ y tế.
Thêm giải pháp khá cơ bản đó là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó tính tiền phụ cấp đặc thù cũng như là tiền lương thì phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế vì thu nhập của họ được cải thiện và tăng thêm để tái tạo sức lao động.
Như vậy, trách nhiệm tăng thêm và khi bệnh viện tự chủ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập, nên bắt buộc bệnh viện phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút bệnh nhân. Bệnh viện nào phục vụ tốt thì công ty bảo hiểm mới ký hợp đồng với bệnh viện đó.
Khi cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu của bảo hiểm y tế thì bắt buộc phải đổi mới toàn bộ để phục vụ và đổi mới tư duy từ chỗ “ban ơn” trở thành người phục vụ bệnh nhân và coi bệnh nhân là trung tâm của sự phục vụ. Việc này không thể một sớm một chiều, nhưng chắc chắn là chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, đối với việc giảm tải bệnh viện thì điều đầu tiên phải tăng số giường bệnh trên 10.000 dân. Thứ hai là phải có chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để các tuyến bệnh viện tỉnh, huyện làm được các ca đòi hỏi kỹ thuật cao thì bệnh nhân sẽ không phải đi xa, đỡ tốn thời gian phiền phức và cả tiền bạc mà vẫn được thụ hưởng các dịch vụ cao ngay tại địa phương mình.
Tiếp đến là phân tuyến kỹ thuật, thông thường, khi chất lượng tốt thì người ta có thể khám chữa bệnh ngay ở trạm y tế xã, phường và Bệnh viên huyện. Bộ trưởng nêu ví dụ như sinh đẻ thường không cần phải chuyển lên tuyến trên, vừa tốn kém, mất thời gian, vừa nhiễm trùng chéo bệnh viện, đặc biệt là nhiễm khuẩn chéo bệnh viện là một trong những nguyên nhân gây tử vong và kéo dài thời gian điều trị như hiện nay. Đây không chỉ là thách thức đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước đã phát triển./. |